GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

GIỚI THIỆU SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH
Publish date 30/06/2021 | 09:48  | Lượt xem: 607

Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi gắn bó mật thiết với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, với nghĩa quân Tây Sơn quật cường cùng nhân dân Ngọc Hồi dũng cảm, quên mình đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

Lịch sử còn ghi lại, vào những ngày Tết cận kề năm Kỷ Dậu (1789), tướng  Tôn Sĩ Nghị cùng quân lính mải mê chuẩn bị ăn Tết thì cũng là lúc người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trịnh trọng làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, rồi thân chinh thống lĩnh đại quân lập tức xuất quân tiến ra Bắc.

          Sau khi nắm bắt tình hình, biết được thời cơ đã đến, vua Quang Trung quyết mở cuộc tập kích chiến lược với sự tham gia của toàn bộ quân và đánh trong một khoảng thời gian mà quân địch buông lỏng nhất. Vua Quang Trung dự tính và nói với tướng lĩnh "Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chằng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh" .

          Về phía quân giặc, mặc dù lo ăn Tết nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn giữ ý đồ tấn công sau khi qua Tết, nên đã bố trí quân giữ một số trấn ở Bắc Hà vừa để phòng ngự vừa chuẩn bị tiến công.

          Do đó, Tôn Sĩ Nghị đã chú ý thiết lập đồn lũy, chia quân đóng giữ. Đồn Ngọc Hồi là cứ điểm quan trọng, then chốt nhất, có vai trò quyết định cho toàn bộ cuộc chiến này.

          Nhận rõ được tầm quan trọng của đồn Ngọc Hồi, vua Quang Trung quyết định chọn vị trí này để tấn công nhằm tiêu diệt phần lớn sinh lực địch để giành thắng lợi quyết định cuối cùng. Chỉ trong buổi rạng sáng mùng 5 Tết, toàn bộ quân địch ở đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, mở đường giải phóng kinh thành Thăng Long.

          Có thể nói rằng, chiến thắng Ngọc Hồi mang ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng này đã đi vào lịch sử dân tộc như những chiến công chói lọi nhất, biểu trưng cho trí tuệ, cho sức mạnh phi thường của dân tộc Việt Nam. Và chiến thắng Ngọc Hồi còn in đậm sự đóng góp tài vật của nhân dân Ngọc Hồi, từ lương thực, binh khí cho đến thanh niên, cụ già hăng hái gia nhập nghĩa quân đánh giặc.

          Từ đó trở đi hàng năm, cứ vào ngày mồng 4 Tết âm lịch, lễ hội này được coi là lễ hội sớm nhất trong năm của huyện Thanh Trì, nhân dân lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi. Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi còn liên quan chặt chẽ với lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết âm lịch. Do vậy, nhân dân thường gọi là lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Thường thì lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi được Đảng ủy, HĐND và UBND huyện Thanh Trì trực tiếp chỉ đạo và tổ chức, bởi đây là một lễ hội kỷ niệm vô cùng quan trọng của nhân dân trong huyện, do vậy, từ chương trình, nội dung, địa điểm tổ chức và đơn vị thực hiện qui định rất chặt chẽ với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng thu hút hàng vạn người trong và ngoài huyện tham gia. Ngày diễn ra lễ hội, còn có nhiều đoàn từ các nơi về dâng hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ.

          Theo lịch trình, sáng ngày mùng 4 Tết, khoảng 7h30, sáu đội kiệu của các xã Liên Ninh, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Ngọc Hồi, Đại Áng và Vĩnh Quỳnh rước kiệu tập kết tại di tích Quang Trung, xã Ngọc Hồi.

          Các cụ bô lão (trong đó có 20 cụ ăn mặc trang phục truyền thống) cùng khối Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân xã Ngọc Hồi cùng với các cháu học sinh mặc trang phục. Hai đội múa rồng cùng đội múa sênh tiền, múa bồng, múa lân của các xã Vĩnh Quỳnh, Tân Triều, Thanh Liệt với đạo cụ đầy đủ và trang phục truyền thống cũng lần lượt tập kết tại di tích Quang Trung.

          Từ 8h30 đến 9h đón tiếp khách về dâng hương tại di tích và chùa Ngọc Hồi. 9h Văn nghệ chào mừng, thường do Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca của Trung tâm văn hóa đảm trách. Sau văn nghệ chào mừng là tuyên bố lý do tổ chức lễ hội và giới thiệu khách quí rồi đọc diễn văn khai mạc. Tiếp đến là phát biểu của lãnh đạo cấp trên. Sau phần lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi trang trọng thì phần hội được tổ chức với các màn biểu diễn múa lân, mùa rồng, múa bồng, múa sinh tiền và biểu diễn võ thuật được tổ chức tưng bừng náo nhiệt. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian cũng được tổ chức như đấu vật, cờ tướng thu hút nhiều người tham gia.

          Như vậy, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi được tổ chức rất long trọng vào mùng 4 Tết hàng năm của chính quyền, nhân dân Ngọc Hồi nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, nhằm tôn vinh người anh hùng áo vải Quang Trung đã lập chiến công hiển hách đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng đất nước.

          Tượng đài kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi là một công trình mang nhiều ý nghĩa, đó không chỉ chuyển tải những bài học lịch sử bất tận, thể hiện trí tuệ và tinh thần dân tộc cao độ trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước mà còn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc, nhắc nhở nhân dân Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác cao độ với kẻ thù.