GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI - 93 NĂM TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN.
Publish date 30/03/2023 | 07:34  | Lượt xem: 204

Quá trình thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội là quá trình đấu tranh gian khổ, những chiến sĩ cách mạng phải vượt qua và chiến thắng muôn vàn khó khăn, trở ngại và sự khủng bố ác liệt của kẻ thù. Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của cả nước và Thủ đô. Sự kiện này gắn bó chặt chẽ và là kết quả trực tiếp của phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Hà Nội trong những năm sôi sục của việc vận động thành lập Đảng Cộng sản, biểu hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Thủ đô, đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội-thời kỳ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Sau sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam, đồng chí Du được cử làm Bí thư Thành ủy lâm thời.

Hoảng sợ trước cao trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng ác liệt hòng phá vỡ phong trào cách mạng trên phạm vi cả nước, nhất là những nơi có phong trào đấu tranh cách mạng. Ở Hà Nội, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng liên tục bị đánh phá tổn thất. Thành ủy Hà Nội bị địch phá vỡ phải lập đi, lập lại nhiều lần. Được sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã kiên trì lãnh đạo, khôi phục tổ chức đảng, xốc lại phong trào cách mạng tại Hà Nội; xây dựng an toàn khu của Trung ương tại các huyện ngoại thành; đẩy mạnh công tác “công vận” trong thợ thuyền, công tác “binh vận” trong binh lính. Đặc biệt, trong giai đoạn 1944-1945, Đội tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được thành lập dấy lên phong trào chống phát xít Nhật mạnh mẽ.

Khi thời cơ cách mạng chín muồi, ngày 16-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội được thành lập tích cực chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, lãnh đạo nhân dân Thủ đô cùng đồng bào cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, đập tan xiềng xích nô lệ, lật nhào chế độ thuộc địa nửa phong kiến, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ thời khắc lịch sử đó, Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã trực tiếp tạo ra những thế, lực mới cho phong trào cách mạng ở Hà Nội để bước vào thời kỳ xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, can thiệp của Đế quốc Mỹ.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, chính quyền nhân dân vừa thành lập đã đứng trước những thử thách nghiêm trọng, cùng lúc phải đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt” và đặc biệt là “giặc xâm lược”. Nhân dân Hà Nội phát huy tinh thần yêu nước, cách mạng, đoàn kết toàn dân hăng hái thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, tích cực củng cố và dần mở rộng Mặt trận dân tộc Thống nhất, làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”. Đồng bào Thủ đô với tinh thần yêu nước và niềm tin vào cách mạng đã hăng hái tự nguyện đóng góp to lớn vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng”, tích cực tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Trước dã tâm quyết cướp nước ta một lần nữa của Thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đã nhất tề vùng lên, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mở đầu “Toàn quốc kháng chiến”, làm nên 60 ngày đêm rực lửa bảo vệ Thành phố, giữ vững chính quyền non trẻ, góp phần cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong những năm tháng Hà Nội bị địch chiếm đóng, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang ở Hà Nội. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, cùng quân dân cả nước quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã mở đường cho những đoàn quân năm xưa giã từ Hà Nội nay rầm rập trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện ngày 10-10-1954 giải phóng Thủ đô thêm một mốc son chói lọi tô thắm trang sử oai hùng Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, là thành quả tất yếu của quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu.

Bước vào xây dựng cuộc sống mới sau hòa bình, Hà Nội gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả của chế độ thực dân để lại. Thủ đô Hà Nội nỗ lực khôi phục kinh tế, xây dựng văn hóa-xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thủ đô Hà Nội cùng miền Bắc còn trực tiếp đương đầu với hai cuộc chiến tranh ác liệt bằng không quân của đế quốc Mỹ, một lần nữa, tinh thần quật cường, tinh thần yêu nước nồng nàn biến thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại tỏa sáng. Đặc biệt những ngày tháng Chạp năm 1972 rực lửa, Hà Nội trở thành biểu tượng “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, quân dân Thủ đô kết tinh trong mình sức mạnh và tinh hoa của dân tộc đã trực tiếp đối mặt với không lực Hoa Kỳ ngay trên bầu trời Hà Nội, đập tan cuộc tập kích chiến lược khổng lồ bằng “Pháo đài B52” của Đế quốc Mỹ, buộc người Mỹ phải quay lại bàn đàm phán ở Pa-ri, chấp nhận rút quân về nước, mở ra một thời cơ mới cho cách mạng nước ta. Để rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ, cả một dân tộc đi cùng một hướng với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, cùng xốc tới làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đánh đuổi kẻ xâm lược, thống nhất đất nước…

Nhìn lại 93 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ Hà Nội. Từ buổi đầu thành lập dù bị kẻ thù điên cuồng khủng bố, đàn áp, Đảng bộ vẫn kiên cường bám trụ, duy trì hoạt động trong mọi hoàn cảnh, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thủ đô, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại; hoạt động bí mật trong lòng địch, cùng cả dân tộc tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp… Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo quân dân Thủ đô vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, kiên cường trong chiến đấu, hăng say, sáng tạo trong lao động, xây dựng Thủ đô ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Nguồn: báo Quốc phòng Thủ đô)